Thể Thao 247 - Chuyện ai sẽ ngồi ghế nóng VFF là điều được dư luận đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, điều bóng đá Việt Nam cần hiện tại là thay đổi tư duy, chứ không phải thay đổi con người.
Trước thềm Đại hội VFF diễn ra vào tháng 3/2018, việc tìm ra Chủ tịch và những vị trí trong Thường trực VFF khóa 8 vô cùng quan trọng, nhưng bộ máy VFF cũng cần được củng cố. Theo đó, Chủ tịch VFF phải hội tụ các phẩm chất đó chưa đủ, mà phụ thuộc vào năng lực của thuộc cấp. Thêm vào đó, sự đoàn kết, cùng nhau nhìn về một hướng, dẹp bỏ cái tôi để làm việc vì nhiệm vụ chung, đó là sự phát triển của bóng đá Việt Nam
Chính bởi thế, theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Bộ VH,TT& DL sẽ làm việc với Tổng cục TDTT, Liên đoàn bóng đá Việt Nam để sớm hoàn tất đề án cải tổ VFF. Nhiệm vụ quan trọng này sớm phải hoàn thành để báo cáo Thủ tướng ngay trong tháng 9.
Doanh nhân hay người nhà nước
Đại hội VFF khóa VII, ông Lê Hùng Dũng trúng cử chức danh chủ tịch với số phiếu tín nhiệm 96,7%. Tuy nhiên sau khi lâm bệnh chủ tịch Dũng đã không thể điều hành được LĐBĐ Việt Nam. Trong khi một doanh nhân khác trúng cử vào khóa 7 là ông Đoàn Nguyên Đức cũng không có quá nhiều ấn tượng ở nhiệm kỳ này.
Bộ máy VFF khóa VII từng được đánh giá là rất mạnh khi có sự góp mặt của hai doanh nhân thành đạt Lê Hùng Dũng, Đoàn Nguyên Đức, nhưng cuối cùng lại chưa đạt được như kỳ vọng. Thời gian qua, ông Lê Hùng Dũng từng nhiều lần bày tỏ nguyện vọng xin rút lui khỏi vị trí chủ tịch VFF để chăm lo sức khỏe. Bầu Đức cũng khẳng định sẽ rút lui khỏi VFF.
Nhiệm kỳ vừa qua, nội bộ VFF đã xảy ra nhiều lần lục đục mất đoàn kết. Tuy nhiên ông Dũng lại không hề ra mặt giải quyết những vấn đề nội bộ. Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng chủ tịch VFF nên là một quan chức có uy tín, để đoàn kết một tập thể VFF đã bị sứt mẻ ở nhiệm kỳ vừa qua.
Xây nhà từ nóc hay từ móng?
Trong khi bóng đá Việt Nam đang sục sôi với chiếc ghế nóng VFF thì tất cả lại bỏ qua vấn đề cốt lõi của những thất bại thời gian qua, đó là làm công tác đào tạo trẻ. Ngoài bầu Hiển, bầu Đức, rồi trung tâm Viettel, PVF...và thêm một vài CLB là có hệ thống tương đối chặt chẽ, hiện đại thì phần còn lại đều hời hợt với bóng đá trẻ, bất chấp VFF luôn yêu cầu các CLB phải có 3 tuyến trẻ từ U17 đến U21.
Không phải ngẫu nhiên GĐKT VFF Gede lại nhận định bóng đá Việt Nam phải cải tạo lại từ V.League mà cụ thể là các đội tham dự giải vô địch quốc gia. Trong đó đào tạo tuyến trẻ là yêu cầu cấp thiết cho việc nâng tầm bóng đá Việt Nam. Vừa qua, VFF đã nhận được danh hiệu Liên đoàn xuất sắc nhất năm. Danh hiệu này từ đâu mà ra, đó là từ những thành công của các lứa trẻ trong năm qua như u15, U16, U20...
Thế nhưng bao năm qua, chúng ta vẫn cứ xây nhà từ nóc với những lợi ích trước mắt. Theo đó, bóng đá Việt Nam cần một tân chủ tịch có tâm và có tâm để có giải pháp đào tạo trẻ, trong đó cả 14 đội bóng đều có hệ thống đào tạo tử tế và chất lượng thay vì 1, 2 lò trọng điểm như hiện tại
Vì thế, điều bóng đá Việt Nam cần hiện tại là thay đổi tư duy làm bóng đá, chứ không phải thay đổi con người!