Quảng cáo

Tiền đạo MU - thời kỳ chuyển giao

Chủ nhật, 13/08/2017 08:00 AM (GMT+7)
A A+

Sau trận tranh siêu cúp Châu Âu, nhiều người so sánh Romelu Lukaku với Morata, bản hợp đồng “hụt” của MU, và nghi ngờ tài năng của chàng tiền đạo 24 tuổi người Bỉ, liệu Lukaku có trở thành quân bài tẩy của “người đặc biệt”, chúng ta hãy cùng quay ngược thời gian trở về với thời kỳ của Ferguson, David Moyes, để xem xem, liệu Lukaku có phải cái tên sẽ mang lại danh hiệu cho đội bóng chủ sân Old Trafford.

Sir Alex Ferguson - Cá tính của người Scotland và kỷ nguyên của “cặp đôi kinh điển”

“Người Scotland luôn giữ trong tâm mình một ý chí mạnh mẽ. Họ chỉ rời quê hương vì một lý do duy nhất. Người Scotland không rời Scotland để trốn chạy quá khứ mà để hoàn thiện bản thân … Người Scotland ở nước ngoài không thiếu tính hài hước. Nhưng họ rất nghiêm túc trong công việc, một phẩm chất vô giá. Mọi người thường nói với tôi: “Chẳng bao giờ thấy ông cười trong trận đấu cả.” Tôi trả lời: “Tôi không đến đây để cười đùa, tôi đến đây để thành công”.

Trích “Hồi ký Alex Ferguson”

Thật vậy, người ta chưa bao giờ nghi ngờ về tính quyết liệt của người đàn ông đến từ Govan (một cảng vận nhỏ thuộc Scotland). Trong sự nghiệp cầm quân của Sir Alex, không ít lần người ta được nghe tới sự “điên rồ” của ông. Những mâu thuẫn với Van Nistelrooy khi cây săn bàn số 1 của MU thời điểm đó rục rịch muốn chuyển tới Real, “chiếc giày bay” với Beckham, hay “pizza-gate” nơi trở thành đỉnh điểm của sự hận thù sâu sắc giữa MU và đại diện đến từ phía Bắc London. Người ta chứng kiến một Sir Alex giận dữ, bênh vực Van Nistelrooy tới cùng trước những lời lẽ không hay từ Arsene Wenger.

Cá tính làm nên một con người mạnh mẽ. Đối với Ferguson, tất cả các vị trí của ông trên sân đều cần có sự quyết liệt. 27 năm gắn bó với Quỷ đỏ, họ chứng kiến những tiền đạo với cá tính cực mạnh. Những “King” Eric Cantona, Andy Cole, Dwight Yorke, Wayne Rooney, Cristiano Ronaldo, … không ai nghi ngờ về tài năng của họ, nhưng cũng không ai phủ nhận những scandal đời thường, bởi “lắm tài thì nhiều tật”. Lối chơi của MU thấm nhuần sự quyết liệt. Điều đó làm nên thành công rực rỡ trong sự nghiệp cầm quân của Sir Alex.

Triết lý của tấn công của Sir Alex đã đưa “phản công” trở thành một nghệ thuật. Đó là sự phối hợp nhuần nhuyễn của bộ đôi tiền đạo, cùng với sức sáng tạo dồi dào ở tuyến giữa. Khi bên cạnh những cầu thủ giàu thể lực, sẵn sàng tranh chấp luôn là 1 cầu thủ có bản năng “sát thủ” hay cặp tiền đạo có cả 2 tố chất này. Người ta chứng kiến bộ đôi “lừng danh” Andy Cole, Dwight Yorke làm cả thế giới chao đảo, trước những pha đập nhả như "đan len". Cái “Ngẫu” ở cặp đôi này  đã mang đến hơn 100 bàn thắng trong 3 mùa giải thi đấu bên cạnh nhau và mang đến cho MU 3 Premier League, 1 UEFA Champion League, 1 Super Cup, 1 Community Shield, 1 FA Cup. Qua từng thời kỳ Ferguson lại giới thiệu với thế giới những “cặp đôi kinh điển”. Eric Cantona – Mark Hughes, Andy Cole – Dwight Yorke, Rooney – Ronaldo, …

Thế giới phải bội phục trước sự kết hợp “kinh ngạc” của Sir Alex. Sức tấn công của MU đa dạng ở nhiều góc độ, tấn công trực diện từ trung lộ, lật cánh đánh đầu, phản công. Bởi mỗi cá nhân thi đấu trên sân đều hiểu rằng, nếu không thi đấu quyết liệt thì rồi họ sẽ bị ông thầy mang biệt danh “chiếc máy sấy” sạc cho một trận nên thân. Nhờ Ferguson, MU đã đứng lên đại diện cho thứ “bóng đá đẹp”, khiến cả châu Âu phải siêu lòng.

David Moyes – sự thay thế “chưa hoàn hảo”

27 năm trôi qua nhanh như một cái chớp mắt, và điều gì đến sẽ đến. Chị gái của Cathy (người vợ của Sir Alex) qua đời. Điều này khiến bà trở nên cô đơn và buồn bã. Ferguson tự nhủ: “Đây là thời điểm để dừng lại và ra đi như một nhà vô địch”. Và cũng như cách mà Sir Alex đến với MU, ông ra đi cũng rất quyết liệt và đầy toan tính. Bằng sự hiểu biết về người đồng hương David Moyes. Sir Alex đã đề đạt việc mình nghỉ hưu và đề xuất luôn cả người thay thế cho mình. Ông biết David Moyes-cha từ những năm 50, khi đó là đồng đội của ông tại Drumchapel, rồi sau này là HLV của đội bóng. Sir Alex đã đưa ra một quyết định cho đến nay là quyết định duy nhất mang tính cảm tính của ông.

David Moyes dành được không ít lời tán dương ở Everton. Đội bóng vùng Merseyside đã thi đấu xuất sắc trong những năm David trị vì. The Toffees, trong vị thế của đội chiếu dưới, với mục tiêu mỗi mùa là dành suất thi đấu Europa League, đã luôn đạt được những gì đặt ra từ đầu mùa giải. Thật vậy trong thời gian cầm quân của mình thậm chí David Moyes đã đưa Everton lên vị trí thứ 4 một lần vào mùa giải 04/05.

Nhưng khi đến với MU, David Moyes gần như bị choáng ngợp bởi sức ép từ mọi phía. Sức ép từ ban lãnh đạo, từ truyền thông, từ cái bóng quá lớn của người tiền nhiệm. MU của David Moyes thể hiện một lối chơi rời rạc, thiếu đột biến, thiếu quyết liệt, không giữ nổi bóng ở khu trung tuyến. Và vì vậy, cặp đôi song sát “Robin – Batman” (người ta ghép giữa tên của Van Persie và Wayne Rooney lấy cảm hứng từ bộ truyện Batman của DC Comics) bỗng trở nên “mất chất”. Cụ thể là cặp đôi này ở mùa giải MU vô địch đã đóng góp 38 bàn thắng cho MU tại Premier League mùa 12/13. Chỉ một năm sau đó, họ bất ngờ bởi số bàn thắng chỉ vỏn vẹn có 29 bàn với 17 bàn của Wayne, và 12 bàn của Robin. Kết quả là MU đứng vị trí thứ 7 ở EPL, dừng bước ở vòng từ kết trong khuôn khổ Champions League trước Hùm xám.

Lối chơi tấn công của David Moyes là lối chơi tạt cánh đánh đầu. Có lẽ đây là lối chơi truyền thống của bóng đá Anh, nhưng nó đã không thật sự ăn nhập với “ngôn ngữ” của MU. Đỉnh điểm là trận hòa 2 -2 trước Fulham. 83 quả tạt và 2 bàn thắng, một hiệu suất tồi tệ. David Moyes loay hoay đi tìm công thức cho hàng công với những Welbeck còn non kinh nghiệm, Rooney hy sinh quá nhiều và một Van Persie phong độ trồi sụt liên tục gặp chấn thương. Chính đội hình này 1 năm trước thôi, đã vô địch EPL với 11 điểm cách xa “gã hàng xóm ồn ào” Man City. Đủ thấy tầm ảnh hưởng “siêu cường” của Sir Alex đến các cầu thủ là như thế nào.

Louis Van Gaal – 150 triệu bảng điên rồ

Mùa hè năm 2014, khi cả thế giới phải ngả mũ trước lối chơi hào hoa và tốc độ của Hà Lan. Bộ ba Van Persie – Robben – Sneijder, họ làm cho người hâm mộ bóng đá thực sự thưởng thức bữa tiệc bàn thắng với trận khai mạc bảng B khi vượt qua cựu vương thế giới với tỷ số điên rồ 1 – 5. Và chỉ chịu dừng bước ở bán kết trước Argentina trong loạt luân lưu đầy may rủi.

Bản hợp đồng của Van Gaal với MU được ký vào giữa tháng năm 2014 có thời hạn 3 năm và có hiệu lực sau khi World Cup kết thúc. Trong kỳ chuyển nhượng đầu tiên ở đội bóng mới, sau kết quả ấn tượng có được của nhà cầm quân người Hà Lan tại World Cup, Ed Woodward đã trao cho ông 150 triệu bảng để chuyển nhượng. Và 6 cái tên đã được giới thiệu. Và cặp đôi được chờ đợi nhất đó chính là Di Maria – Falcao. Di maria mùa giải trước đã đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong chức vô địch của Real trước đội bóng cùng thành phố Aletico trong trận chung kết Champions League. Còn “mãnh hổ” Falcao thì vừa có một mùa giải thành công với Monaco. Nhưng kết quả thì ai cũng đã thấy, số bàn thắng của bộ tứ Rooney, Persie, Falcao, Di maria thậm chí còn không vượt qua nổi con số 30. MU tuy khấm khá hơn mùa giải trước. nhưng cũng chỉ đứng ở vị trí thứ tư. Tuy cao hơn 3 bậc sơ với mùa giải 13/14, nhưng chỉ hơn 6 điểm so với MU của David Moyes.

Mùa giải 15/16, Van Gaal lại ráo riết bổ sung thêm 6 cái tên mới. Và người ta lại đặt hết kỳ vọng vào Martial và Memphis. Thật tiếc, kết quả còn thảm hại hơn mùa trước. MU trải qua chuỗi 6 trận không biết đến chiến thắng khi mùa giải sắp trải qua giai đoạn 1. Kết quả, MU đứng thứ 5 xếp sau Manchester City về chỉ số phụ. Van Gaal không những không thể khoác lên mình chiếc áo của nhà vô địch, mà ông còn đánh mất sự đồng lòng của các học trò. Trong trận thảm bại trước Tottenham Hotspurs, ông đã chỉ trích phong độ và thái độ thi đấu của Marcus Rashford và các cầu thủ khác, mà sau đó họ cho rằng ông đã chỉ trích một cách “vô căn cứ”. Danh hiệu đầu tiên và cuối cùng của Van Gaal ở MU là cúp FA, chiến thắng nhọc nhằn trước Crystal Palace cũng là lời chào tạm biệt của Van Gaal, khép lại 2 năm làm việc của ông thầy người Hà Lan tại MU. 2 ngày sau khi dành cúp, Van Gaal và những người cộng sự bị đuổi việc.

Mourinho – Sự thực dụng đến tinh quái

Cho đến thời điểm Mourinho đến với MU, người ta cũng không khỏi nghi ngờ về tương lai của ông. Bảng thành tích của Mourinho, có lẽ phải mất 2 ngày người ta mới liệt kê hết được. Nhưng những điều đó có được là do đâu, một phần từ tính cách ưa cạnh tranh của ông, hay bộ não thiên tài và khôn khéo trong “dụng” người.

Ngay kể từ khi mới bắt đầu cầm quân, Jose cho thấy ông luôn chuẩn bị rất kỹ càng cho mùa giải mới. Chẳng vậy mà Porto, trong lần đầu tiên của lịch sử, giành cúp Champions League, loại bỏ Manchester United, Olympique Lyonnais, Deportivo La Coruna trên con đường lên ngôi vô địch. Nhưng khi đến với Chelsea người ta mới phải giật mình về lối chơi tấn công mà đặc biệt là vị trí tiền đạo của đội bóng. Mourinho tin dùng Drogba, và chỉ mình Drogba. Trong 3 mùa giải Mourinho cầm quân, Drogba ra sân trong 90 trận và mang về 42 bàn thắng. Hiệu suất là tương đương ½ bàn thắng 1 trận. Hiệu suất “kinh ngạc” này có từ một hàng tiền vệ vững chắc cùng hàng thủ như “xe bus 2 tầng” của Mourinho.  Chỉ cần có Drogba trên sân mọi thứ trở nên đơn giản. Jose ưa thích sử dụng những tiền đạo cắm có sức mạnh, có khả năng thi đấu độc lập và kết thúc mọi tính huống gọn gàng và chính xác. Drogba là như vậy. Và triết lý của Mourinho sau này vẫn vậy.

Ở Inter Milan, hay Real Madrid, và gần nhất là Chelsea, ông luôn chọn cho đội hình của mình những tiền đạo “độc lập”. Ở Inter, ông có trong tay Adriano, sau này là Ibrahimovic, nhưng tiền đạo thi đấu xuất sắc nhất có lẽ là Diego Milito, anh đóng vai trò quan trọng trong cú ăn ba đầu tiên của nước Ý, và đầu tiên của Mourinho. “Diego hầu như không phải là mẫu tiền đạo mang lại nhiều cảm xúc như Messi hay có sức mạnh làm nổ tung cầu trường như Tevez, nhưng sự chắt chiu của anh thì có sức công phá ghê gớm” -  đó là những mỹ từ mà nhà báo Richard Williams, dành tặng cho tiền đạo người Argentina. Ở Real Madrid, ông không những chỉ có 1 mà tới 2 cầu thủ có khả năng tạo đột biến và những bàn thắng tuyệt vời, đó là Ronaldo và Benzema. Tài năng và sức công phá của bộ đôi này có lẽ không cần bàn thêm.

Ngày định mệnh trong cuộc đời Mourinho thực sự đến khi ông đặt bút ký hợp đồng với Manchester United. Với bản hợp đồng có thời hạn 3 năm, Mourinho sẽ gắn bó với quỷ đỏ cho đến mùa hè năm 2020. Và cũng như bao đội bóng khác, Mourinho vẫn ưu tiên áp dụng lối chơi pressing toàn sân, phòng ngự chủ động và phản công nhanh. Mourinho luôn muốn giữ sạch mành lưới đội nhà trước khi muốn ghi bàn. Lối chơi này đôi khi đem lại nhiều ý kiến trái chiều. HLV Arsene Wenger đã từng chỉ trích Mourinho rằng lối chơi “xấu xí” của ông sẽ bóp nghẹt sự phát triển của bóng đá thế giới. Mourinho chỉ đáp lại ngắn gọn:” Ai cần bóng đá đẹp, cứ thắng là đẹp.” Nó phát xuất từ con người có cá tính cạnh tranh mạnh mẽ, luôn muốn là người đứng đầu.

Và như thường lệ, ông mang về cho mình một tiền đạo. Một tiền đạo mà ông ưa thích, kỹ thuật và xoay sở tốt, tự tạo cơ hội, và không hề ngại va chạm. Ibrahimovic đã đến. Một bầu trời cá tính khác lại cập bến MU. Chưa bao giờ, người ta cảm thấy “đúng” khi xem MU thi đấu như bây giờ. MU thi đấu quyết liệt hơn, ngẫu hứng hơn. Không phải là thi đấu "đến hơi thở cuối cùng” như Mu của Ferguson. Mà là tinh quái hơn, sắc sảo hơn. Ibrahimovich như thường lệ, vẫn ghi bàn đều đều, và đều là những siêu phẩm. Anh ta nói vui rằng: “Khi về già nếu không có việc gì làm, tôi sẽ lên Youtube, xem đi xem lại nhưng siêu phẩm của mình.” Ibrahimovic ở tuổi 35 có hiệu suất vẫn rất ổn định 17 bàn trong 28 trận đã đấu.

Sau chấn thương khiến cho người khổng lồ Thụy Điển phải nghỉ thi đấu đến hết năm 2017, câu hỏi là ở mùa giải năm nay, ai sẽ đến và thay thế Ibra. Có lẽ chúng ta phải ngược lại lịch sử để nói về cái duyên của cầu thủ này với MU và Sir Alex. Ở trận đấu giã từ sự nghiệp trên sân vận động The Hawthorns, Sir Alex chứng kiến một màn rượt đuổi tỷ số mãn nhãn của các học trò và đội chủ nhà. Ở thế đang thua 2 – 5 trước MU, WBA vùng dậy và ghi liền ba bàn thắng. Tỷ số 5 – 5 có vẻ là lời chia tay thích hợp của Sir Alex. Điều đáng nói là cú Hattrick mà chàng tiền đạo khi đó mới vừa tròn 20 tuổi, ghi bàn vào lưới MU có lẽ là định mệnh. Kể từ mùa giải sau đó, MU chưa một lần tiến gần đến chức vô địch, chứ đừng nói là cạnh tranh. Ngày hôm nay người đó đã chính thức đến MU.

Romelu Lukaku, tiền đạo sinh năm 93, giá chuyển nhượng 85 triệu bảng Anh, chiều cao 1m91. Khả năng chiến đấu độc lập cao, thể lực dồi dào, tuy tốc độ không quá nhanh nhưng  những cú dứt điểm thì đầy uy lực và chính xác. Trước khi đến với MU, Rom đã có 1 năm thi đấu ở Chelsea, 1 năm ở West Brom, và 4 năm ở Everton. Tiền đạo người Bỉ thật sự tỏa sáng trong mùa giải 16/17 với 26 bàn thắng trong 39 trận đã đấu. Qua đó chỉ kém vua phá lưới Harry Kane, 4 bàn. Đối với những người tinh tường, dễ nhận thấy Harry Kane đã ghi 29 bàn trong đó có 5 penalty, còn Romelu ghi 25 bàn và 1 penalty. Kết luận: nếu tính những bàn thắng ngoài tính huống cố định, Harry Kane và Romelu Lukaku gần như tương đồng về số bàn thắng – 24 bàn.

Nhiều người cho rằng Mourinho ngắm đến Alvaro Morata. Nhưng thực chất, tất cả những cầu thủ ông cần, Ed Wood đều đã nắm rõ kể từ tháng 3. Bước sang mùa giải mới, với một tiền đạo sát thủ trong tay, liệu Mourinho có làm nên chuyện. Nên nhớ Romelu Lukaku có người bạn rất thân đó là Paul Pogba. Cặp song sát này, hứa hẹn sẽ đem lại nhiều danh hiệu cho MU trong mùa giải mới.

Nguyên “thép”

Author Thethaophui.net /
Mu tien dao MU Ngoai hang Anh Ferguson Moyes
Xem thêm