Năm 2019 đánh dấu những mốc son mới trong lịch sử bóng đá Việt Nam khi hàng loạt tuyển thủ quốc gia như Công Phượng, Xuân Trường... lên đường xuất ngoại.
VIDEO: Công Phượng bỏ lỡ cơ hội đánh bại thủ môn Thái Lan tại Sint-Truiden
Thành công của bóng đá Việt Nam trong năm 2018 đã chắp cánh cho những tên tuổi lớn trong đội như Công Phượng, Xuân Trường, Văn Hậu và Văn Lâm tìm kiếm thử thách ở những phương trời xa hơn. Một năm đã trôi qua và lúc này là thời điểm để chúng ta nhìn lại những điều mà các chàng trai áo đỏ đã làm được và chưa được ở những nền bóng đá phát triển hơn.
Trong số 4 người này, Công Phượng là cái tên để lại nhiều chú ý nhất. Công Phượng vốn đã là một "key hot" trên mạng xã hội, với bất cứ CĐV yêu bóng đá Việt Nam. Bất kỳ một khoảnh khắc, hành động nào của anh cũng được fans săn đón. Vì thế mà những phi vụ chuyển nhượng cầu thủ này khiến truyền thông và dư luận rầm rộ, theo sát từng chân tơ kẽ tóc.
Mở đầu là chuyến đi đến Hàn Quốc, Công Phượng mang trên vai trách nhiệm tỏa sáng khi chơi thành công ở Asian Cup 2019. Đồng thời trước đó anh cũng từng thất bại ở một giải đấu có trình độ tương tự là J-League, vì vậy Phượng càng có lý do để "buộc" phải thành công.
Tuy nhiên sau một vài trận đấu được sử dụng, Công Phượng dần rơi vào quên lãng. Trải qua 3 đời huấn luyện viên, Công Phượng không thể gây ấn tượng với ai. Ngay giữa mùa giải Công Phượng đã thực hiện cú áp phe nhanh đến chóng mặt khi chuyển tới Sint-Truiden. Lần đầu thất bại có thể đổ lỗi do hoàn cảnh nhưng tại Bỉ, Công Phượng tiếp tục làm quen với băng ghế dự bị, thậm chí giai đoạn sau còn không có tên trong danh sách đăng ký thi đấu.
Sau tất cả, bản hợp đồng trở về TP HCM là minh chứng rõ nhất cho thất bại của công cuộc chinh phục trời xa của Công Phượng. Tuy nhiên những chuyến đi này không sai, bởi nó mang đến những kinh nghiệm quý báu cho cầu thủ người Nghệ An. Thất bại đó giúp Công Phượng ở đâu, biết mình phải cải thiện những gì, điểm yếu nào cần sớm khắc phục.
Cũng như Công Phượng, người đồng đội Xuân Trường cũng một lần nữa rời bỏ màu áo đội bóng phố Núi để tìm đường chinh phục những thư thách ngoài biên giới. Điểm đến được xem là nhẹ ký hơn so với Công Phượng, đó là CLB Buriram United.
Dù đã để lại những dấu ấn đáng kể tại đây nhưng đi tìm vị trí chính thức vẫn là bài toán xa xỉ với Xuân Trường. Cũng như Công Phượng, Xuân Trường trở về HAGL với một tuyên bố đôi bên đồng thuận không hợp tác với nhau nữa.
Có lẽ 2 trường hợp còn lại sẽ khiến NHM Việt Nam cảm thấy nhẹ nhõm hơn phần nào. Văn Hậu tới SC Heerenveen với một bản hợp đồng cho mượn một năm. Cái cách anh đi cũng khiến người ta yên tâm khi CLB Hà Lan phải trả mức lương khá cao cho cầu thủ CLB Hà Nội. Dù chưa được ra sân nhiều nhưng Văn Hậu đang chiếm được cảm tình của HLV Jansen khi nhiều vòng đấu gần đây liên tục góp mặt trên băng ghế dự bị.
Còn tại Thái Lan, Văn Lâm chơi ổn định, góp công lớn vào vị trí thứ 5 trên BXH Thai League. Cần nhớ suốt một nửa thời gian đầu mùa giải, Muangthong xếp ở nhóm cuối. Bất luận phong độ đội bóng có ra sao, Văn Lâm vẫn thể hiện mình một cách xuất sắc.
Dù bất cứ ai trong số này thành công hay thất bại thì họ cũng xứng đáng nhận những lời khen ngợi vì dám xé vỏ bọc an toàn để đương đầu với thử thách mới. Công Phượng từng trả lời trước truyền thông câu nói sẽ khiến nhiều người phải suy ngẫm:
"Tôi rất muốn thành công ở môi trường có nền bóng đá phát triển hơn Việt Nam, và tôi quyết tâm làm được điều ấy để các cầu thủ trẻ sau này phấn đấu đi ra nước ngoài."