AirVisual không phải đơn vị duy nhất cung cấp thông tin về chất lượng không khí, người dùng có thể tham khảo thêm thông tin qua ba nguồn khác dưới đây.
Nội dung chính
Tình trạng ô nhiễm không khí đang nhận được sự quan tâm rất lớn trong thời gian gần đây. Việc biết được chất lượng không khí trước ra khỏi nhà là điều rất cần thiết.
Trong đó, AirVisual được coi là ứng dụng theo dõi tình hình chất lượng không khí phổ biến nhất hiện nay. Trong tuần qua, ứng dụng AirVisual được tải nhiều đột biến trên cả hai nền tảng iOS và Android.
Tình trạng ô nhiễm không khí ở nhiều thành phố lớn của Việt Nam như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh được cho là nguyên nhân chính dẫn đến sự tăng trưởng đột biến này.
Tuy nhiên ngoài AirVisual, vẫn còn nhiều cách khác để bạn theo dõi được chất lượng không khí một cách dễ dàng.
Cổng thông tin điện tử của Ủy Ban Nhân Dân tỉnh, thành phố
Hầu hết các tỉnh, thành phố đều có cơ quan làm nhiệm vụ quan trắc môi trường trong đó có chất lượng không khí. Như tại Hà Nội, người dân có thể tham khảo thông tin về chất lượng không khí thông qua cổng thông tin quan trắc môi trường UBND thành phố Hà Nội.
Cổng thông tin này hoạt động dựa trên dữ liệu của khoảng 11 điểm đo khác nhau tại Hà Nội.
Việc theo dõi thông qua cổng thông tin điện tử sẽ giúp bạn cập nhật thông tin kịp thời và chính xác hơn.
Cổng thông tin quan trắc môi trường thuộc Tổng cục môi trường
Là cơ quan có nhiệm vụ quản lý và cải thiện chất lượng môi trường, Tổng cục môi trường có rất nhiều các trạm đo chất lượng không khí khác nhau trên khắp cả nước và đặc biệt là ở các thành phố lớn.
Thông tin về chất lượng không khí được Tổng cục môi trường cập nhật liên tục và cung cấp trên cổng thông tin điện tử để mọi người dân có thể theo dõi.
Ngoài thông tin về chất lượng không khí, Tổng cục môi trường còn cung cấp thông tin về khí thải và cả nước thải.
Giải pháp đo chất lượng không khí PAM Air
PAM Air là sản phẩm của công ty D&L - một doanh nghiệp thuần Việt. Ra mắt từ đầu năm 2019, giải pháp PAM Air hiện đã xây dựng được mạng lưới khoảng 80 điểm đo tại Việt Nam. Trong đó Hà Nội hiện có khoảng 40 điểm.
PAM Air hoạt động dựa trên các thiết bị cảm biến đo chất lượng không khí theo thời gian thực (Online Air Quality Sensors).
Dữ liệu tại các điểm đo sẽ được thu thập, xử lý và phân tích để tính toán ra Chỉ số chất lượng không khí (Air Quality Index – AQI) giống như AirVisual. Thông tin sau đó được công bố rộng rãi trên trang chủ của PAM Air và ứng dụng PAM Air trên điện thoại.