Hiện tại, chỉ có BYD và Li Auto là những công ty duy nhất tại Trung Quốc đạt được lợi nhuận từ việc bán xe điện. Khoảng 50 hãng xe điện khác vẫn đang gặp khó khăn trong việc duy trì lợi nhuận.
Ngành công nghiệp xe điện (EV) Trung Quốc đang đối mặt với những thách thức lớn khi các nhà sản xuất liên tục tung ra các mẫu xe mới để cạnh tranh trong thị trường biến đổi nhanh chóng. Nhưng chi phí phát triển cao và cuộc chiến giảm giá căng thẳng đang đe dọa đến khả năng sinh lợi của nhiều hãng xe.
Theo công ty tư vấn Suolei tại Thượng Hải, hơn 50 mẫu xe điện và hybrid mới dự kiến sẽ ra mắt tại thị trường Trung Quốc trong năm 2024. Tuy nhiên, chỉ có một số ít mẫu xe đạt được doanh số đủ lớn để bù đắp chi phí phát triển.
Ông Eric Han, quản lý cấp cao tại Suolei, cho biết: "Các nhà sản xuất xe cần phải tự hỏi liệu có đáng để đầu tư hàng tỷ nhân dân tệ vào một mẫu xe mới mà không thể tạo ra doanh số ấn tượng nếu không giảm giá mạnh".
Ông cũng nhấn mạnh rằng thị trường đã bão hòa với các sản phẩm tương tự, và sự cạnh tranh khốc liệt sẽ khiến nhiều mẫu xe bị loại khỏi cuộc đua.
Tại thị trường ô tô lớn nhất thế giới, các mẫu xe mới với công nghệ lái tự động tiên tiến và phạm vi hoạt động dài có thể thu hút hàng nghìn đơn đặt hàng chỉ trong vài ngày sau khi mở bán trước. Đặc biệt, giới trẻ Trung Quốc ngày càng ưa chuộng xe thân thiện với môi trường trong hai năm qua.
Theo ông David Zhang - Tổng Thư ký Hiệp hội Kỹ thuật Xe thông minh Quốc tế, việc giảm giá là yếu tố quan trọng để thu hút khách hàng.
Ông cho biết: "Mặc dù các mẫu xe mới thường giúp tăng doanh số, nhưng chính các đợt giảm giá mới thực sự thu hút người mua. Tuy nhiên, điều này lại gây áp lực lớn lên các công ty, buộc họ phải cắt lỗ để tồn tại trong thị trường khốc liệt".
Các hãng lớn như BYD và Hozon New Energy Automobile gần đây đã giới thiệu nhiều mẫu xe mới để mở rộng thị phần, khi doanh số xe điện đã vượt hơn 50% tổng doanh số ô tô mỗi tháng kể từ tháng 07/2024.
Một trong những mẫu xe nổi bật nhất là Xiaomi SU7. Tổng doanh số của SU7 tại Trung Quốc trong quý II/2024 là 27.307 chiếc. Xe có giá khởi điểm từ 215.900 nhân dân tệ (khoảng 750 triệu đồng). Nhưng Xiaomi cho biết mảng xe điện của hãng sẽ cần thời gian để sinh lời do chi phí nghiên cứu, phát triển và tiếp thị quá cao.
Theo báo cáo của Citigroup vào tháng 04/2024, Xiaomi có thể lỗ tới 4,1 tỷ nhân dân tệ trong mảng xe điện vào năm 2024, tương đương mức lỗ 68.000 nhân dân tệ cho mỗi xe. Dù vậy, Xiaomi vẫn đặt mục tiêu giao 120.000 xe điện trong năm nay.
BYD đã giới thiệu loạt mẫu xe mới thuộc thương hiệu Han với giá thấp hơn ít nhất 2,4% so với các mẫu xe trước đó. Ngân hàng Morgan Stanley nhận định BYD sẽ duy trì đà tăng đơn hàng nhờ các chính sách ưu đãi như trợ cấp thay xe lên tới 8.000 nhân dân tệ và các khoản vay không lãi suất.
Tuy nhiên, BYD cũng phải đối mặt với chi phí nghiên cứu và phát triển tăng 41,6% lên 20,2 tỷ nhân dân tệ trong nửa đầu năm 2024, vượt xa mức tăng trưởng doanh thu 15,8%.
BYD đã đạt doanh số ấn tượng nhưng lợi nhuận giảm sút, biên lợi nhuận gộp trong quý II chỉ đạt 18,7%, giảm 3,2 điểm phần trăm so với quý trước. Các đối thủ của BYD khó có thể cải thiện biên lợi nhuận khi chi phí phát triển xe mới ngày càng tăng cao.
Trong khi đó, mẫu sedan điện Mona M03 của Xpeng đã thu về hơn 30.000 đơn đặt hàng chỉ trong 24 giờ sau khi ra mắt vào cuối tháng 8. Tuy nhiên, Xpeng vẫn báo lỗ 1,28 tỷ nhân dân tệ trong quý II/2024, dù đã thu hẹp mức lỗ so với quý trước.
Ông Phate Zhang, người sáng lập công ty dữ liệu CnEVPost, cho biết hầu hết các mẫu EV mới ra mắt trong năm nay đều có doanh số kém. Người tiêu dùng tự tin hơn vào các công ty lớn như BYD và Xiaomi, những thương hiệu có khả năng cung cấp công nghệ tiên tiến và hiệu suất cao.
Hiện tại, chỉ có BYD và Li Auto là những công ty duy nhất tại Trung Quốc đạt được lợi nhuận từ việc bán xe điện. Khoảng 50 hãng xe điện khác vẫn đang gặp khó khăn trong việc duy trì lợi nhuận.