HLV Steve Darby: 'Thủ môn Kim Thanh tốt nhưng khó thi đấu ở nước ngoài'
Steve Darby, huấn luyện viên - chuyên gia bóng đá người Anh đã có những chia sẻ về thủ môn Kim Thanh và hành trình của ĐT nữ Việt Nam tại World Cup.
Steve Darby là một cựu cầu thủ và huấn luyện viên bóng đá người Anh. Ông đã làm việc tại Châu Á trong nhiều năm và là khách mời thường xuyên cho ESPN. Đặc biệt tại khu vực Đông Nam Á, ông từng dẫn dắt ĐT nữ Việt Nam với thành tích giúp bóng đá nữ lần đầu tiên giành HCV SEA Games vào năm 2001. Ngoài ra, Steve Darby cũng từng là HLV trưởng của ĐTQG Thái Lan và Lào.
Với những kinh nghiệm và kiến thức đồ sộ về bóng đá khu vực Đông Nam Á, chuyên gia Steve Darby đã có những chia sẻ thú vị với Thethaophui.net về bóng đá nữ Việt Nam hiện tại.
Điều gì khiến ông ấn tượng nhất về lối chơi của Việt Nam tại World Cup?
Tôi rất ấn tượng với sự kỷ luật trong chiến thuật của ĐT nữ Việt Nam trong hai trận đầu tiên. Dù thua nhưng Việt Nam đã thua với tỷ số đúng nghĩa. Nhiều người đã dự đoán một trận thua đậm trước Mỹ nhưng Việt Nam đã phòng ngự xuất sắc và thể hiện một sự kỷ luật cao.
Đây là một sự ghi nhận đáng khen dành cho Huấn luyện viên và các cầu thủ. Mặc dù thua hai trận nhưng tôi nghĩ ĐT Việt Nam đã chơi rất xuất sắc trong hai trận đầu tiên, họ đã thể hiện được tính kỷ luật và bản lĩnh.
Không may thay, đối thủ Hà Lan trong trận đấu cuối lại quá mạnh so với Việt Nam khiến cho các cầu thủ khó để duy trì hàng phòng ngự có kỷ luật một cách liên tục. Ngoài ra, Việt Nam không còn gì để mất nên họ cố gắng tấn công nhiều hơn. Ở giải đấu tầm cỡ như thế này, nếu bạn tấn công các đội tuyển mạnh hơn mình, bạn thường sẽ nhận những kết quả không tốt.
Ngoài thủ môn Kim Thanh, theo ông, những tuyển thủ Việt Nam cũng để lại màn trình diễn ấn tượng tại World Cup?
Thủ môn Kim Thanh đã thực hiện nhiều pha cứu thua xuất sắc nhưng thực tế là cô ấy có thể sẽ không nhận được quan tâm nhiều của các đội bóng nước ngoài do vấn đề chiều cao của mình.
Thành thật mà nói, chỉ có hai cầu thủ Việt Nam nổi bật với tôi ở việc họ có thể ký hợp đồng chuyên nghiệp ở nước ngoài. Tôi hy vọng mình sai. Tôi rất muốn thấy nhiều cầu thủ nữ Việt Nam ra nước ngoài thi đấu.
Những cầu thủ mà tôi nghĩ đã chơi tốt ở World Cup lần này là Hậu vệ phải (Thu Thảo) và Trung vệ phải (Thu Thương). Thủ môn Kim Thanh đã thực hiện nhiều pha cứu thua xuất sắc nhưng sẽ không được chú ý nhiều do chiều cao của cô ấy.
Tôi nghĩ điều tốt nhất cho các cầu thủ Việt Nam là được tiếp cận với hệ thống đào tạo tiên tiến ở nước ngoài, nơi họ có thể học để trở thành cầu thủ chuyên nghiệp, phát triển thể chất từ việc tập luyện hàng ngày và chế độ dinh dưỡng chất lượng và được giáo dục.
Sau đó, các cầu thủ sẽ học được cách sinh hoạt chuyên nghiệp dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, họ cũng sẽ phải học ngôn ngữ mới là Tiếng Anh, đây là điều cần thiết khi cầu thủ muốn hướng đến thi đấu tại nước ngoài. Thành thật mà nói, hầu như mọi thứ tôi đề xuất trên đều áp dụng cho các cầu thủ trẻ nam hiện tại.
Theo ông, đội tuyển Việt Nam còn điểm yếu nào cần hạn chế?
Đây là một bước tiến lớn về trình độ cho ĐT Việt Nam. Họ đang đối đầu với các quốc gia chi hàng triệu đô la cho bóng đá nữ và có số lượng cầu thủ đông đảo cũng như một giải đấu chuyên nghiệp có tổ chức. Theo tôi, có hai bài học lớn cho bóng đá nữ Việt Nam, thứ nhất họ phải tăng đầu tư tài chính để chuẩn bị tốt hơn và hy vọng cũng sẽ tăng quy mô cầu thủ.
Nhiều cô gái có tài năng nhưng không được chơi bóng đá hoặc không được xác định mục tiêu. Việt Nam cũng nên đón nhiều cầu thủ quốc tế đến thăm và huấn luyện tại các trường học. Hãy để họ trở thành hình mẫu cho các cô gái trẻ. Điều này sẽ vừa quảng bá vừa mang lại thêm thu nhập cho những cầu thủ quốc tế và phát triển con đường sự nghiệp cho họ.
Bài học thứ hai là ĐT Việt Nam phải bắt đầu tìm kiếm và nhắm đến những cầu thủ có thể chất tốt hơn! Bạn có thể nhỏ bé ở hàng tiền vệ và có thể tấn công như Messi và Maradona đã thể hiện, nhưng điều cần thiết ở cấp độ cao nhất là các hậu vệ và thủ môn của bạn phải là những cầu thủ cao lớn.
Ở Việt Nam có những vận động viên nữ cao như tôi từng thấy chơi Bóng rổ và Bóng chuyền nhưng họ đã chuyển sang chơi bóng đá. Đó là một quyết định phù hợp để bổ sung nhân lực cho bóng đá nữ Việt Nam hiện tại. Các cầu thủ có chiều cao và thể chất tốt nên được tìm kiếm và tuyển chọn ngay từ sớm.
Đối với những cầu thủ nhỏ con ở bóng đá nữ, dù không thể làm cho họ cao hơn, nhưng vẫn có thể làm cho họ khỏe hơn, vì vậy những cầu thủ trẻ ưu tú cũng phải bắt đầu các chương trình tập thể chất phù hợp trong thời gian dài. Một kế hoạch tập luyện phù hợp sẽ giúp các cầu thủ khỏe hơn và nhanh hơn.
World Cup sẽ mang lại lợi ích gì cho bóng đá nữ Việt Nam trong tương lai?
Bóng đá nữ sẽ được công chúng đón nhận rộng rãi hơn và nhiều cầu thủ có thể trở thành hình mẫu cho nhiều cô gái trẻ tuổi khác. Đó là một sự thúc đẩy và là động lực lớn cho những cô gái muốn theo sự nghiệp đá bóng trong tương lai.
Ngoài ra, từ hiệu ứng của World Cup, bộ phận Marketing của VFF nên mời cầu thủ tham gia các hợp đồng tài trợ với các sản phẩm liên quan đến phụ nữ, Sam Kerr ở Úc là một triệu phú từ tài trợ cũng giống như đội trưởng đội tuyển Anh Leah Williamson và Alex Morgan ở Mỹ. Vì vậy, các cầu thủ nên được tiếp cận với các hoạt động thương mại nhiều hơn.
Bên cạnh đó, với danh tiếng có được, bóng đá nữ Việt Nam có thể tìm kiếm nhiều tài năng Việt kiều chơi bóng ở nước ngoài, những nơi có đông người Việt sinh sống như Úc, Mỹ và một số khu vực của Châu Âu. Một ví dụ về điều này là Alexandra Huỳnh, cầu thủ trẻ quốc tế người Úc có thể chơi cho Việt Nam. Thế giới đang thay đổi, Việt Nam cũng nên thích nghi để tuyển chọn nhiều nhân tài.
Bóng đá nữ Việt Nam cần làm gì để rút ngắn khoảng cách với những đội bóng hàng đầu như Mỹ hay Hà Lan?
Tôi thành thật tin rằng đội tuyển Việt Nam đã làm tất cả NHM cảm thấy tự hào ở World Cup này. Họ đã có những màn trình diễn nhận được sự tôn trọng trên toàn thế giới.
Theo tôi, những hạn chế mà bóng đá nữ Việt Nam gặp phải hiện tại là:
1. Quy mô số lượng cầu thủ, Việt Nam có dân số đông nhưng số lượng phụ nữ chơi bóng và theo đuổi chuyên nghiệp lại khá ít so với Mỹ hay Anh.
2. Các cầu thủ cũng chỉ được chơi ít trận và chất lượng cơ sở vật chất đôi lúc chưa tốt. Phải có giải VĐQG mạnh, các đội nam tại V-League phải có thêm đội nữ.
Tôi nghĩ VFF đã có những cải tiến lớn ở môn bóng đá nữ, nhưng nếu muốn thi đấu tốt tại World Cup thì cần phải có tiền và có kế hoạch lâu dài.
Sự khác biệt lớn nhất về khi xem đội tuyển Việt Nam là sự khác biệt về thể chất với đối thủ. Nhưng ở Việt Nam, cầu thủ đôi khi phải đối mặt với rào cản trong văn hóa và lối sống khiến cho họ gặp khó khăn trong cách sinh hoạt cũng như các kế hoạch phát triển dài hạn.
Thứ nhất, các cầu thủ Việt Nam còn phải vượt qua rào cản văn hóa nơi cầu thủ bỏ bóng đá khi lập gia đình. Tôi chỉ có 1 cầu thủ đã lập gia đình trong ĐT Việt Nam khi mà tôi đã từng được dẫn dắt và nhiều người nói rằng họ phải chịu áp lực từ gia đình để ngừng chơi bóng và kết hôn và sinh con.
Đó là một rào cản văn hóa khó phá vỡ. Nhưng điều đó có thể thay đổi được, cả Úc và Mỹ đều có nhiều cầu thủ lập gia đình và đi theo con đường chuyên nghiệp.
Bóng đá thuộc về tất cả mọi người! Không quan trọng màu da, tôn giáo, giới tính hay chủng tộc của bạn là gì. World Cup lần này đã cho thấy rằng bóng đá thực sự là một môn thể thao dành cho tất cả.
Xin cảm ơn HLV Steve Darby về cuộc trao đổi này!