Đôi khi trong cuộc sống, việc có được thành công hay không chưa chắc quan trọng bằng việc đương đầu với thành công như thế nào.
Flappy Bird là tựa game đang gây sốt số 1 trên các thiết bị Apple, và việc nó được viết ra bởi một nhà phát triển người Việt Nam càng khiến con chim ấy gây chú ý hơn. Nhiều nguồn tin khẳng định rằng thu nhập từ quảng cáo của nhà phát triển Nguyễn Hà Đông đang lên tới 1 tỷ đồng/ngày.
Nhưng khi Flappy Bird lên đến đỉnh cao thì vấn đề lại phát sinh: xuất hiện thông tin Nintendo đang có ý định kiện nhà phát triển để đòi 6 tỷ USD tiền bản quyền. Xin nhắc lại là 6 tỷ USD chứ không phải là 6 triệu USD như nhiều báo đã đưa, vì những cái ống cống màu xanh, chướng ngại vật của Flappy Bird, giống những cái ống cống trong Super Mario, tựa game huyền thoại của Nintendo.
Vấn đề cơ bản của Flappy Bird là nó không hề được chuẩn bị cho một thành công ở tầm số 1 thế giới. Nhà phát triển không hề đầu tư nặng tay cho quảng cáo, tất nhiên không chủ đích kiếm đến 1 tỷ đồng/ngày, nó được làm một cách có phần ngẫu hứng.
Và rất có thể nhiều thứ trong game, như là phần âm thanh chẳng hạn, cũng không có bản quyền và có thể sẽ đối mặt với nhiều vụ kiện khác.
Bây giờ thì nhiều người đang nín thở chờ đợi xem Nguyễn Hà Đông sẽ đương đầu với những thách thức mà cái vị thế “số 1 Appstore” mang lại cho anh như thế nào.
Đôi khi trong cuộc sống, việc có được thành công hay không chưa chắc quan trọng bằng việc đương đầu với thành công như thế nào.
“Đương đầu với thành công” nghe có vẻ là một khái niệm ngược đời, nhưng đã có những ví dụ kinh điển về việc người ta bỗng nhiên có thành công bất ngờ và chóng vánh, không hề chuẩn bị cho điều đó để rồi... tàn lụi. Diễn viên Macaulay Culkin có thể là “đại sứ” cho chuyện này, với thành công quá lớn, quá sớm từ Ở nhà một mình rồi sau đó chẳng biết làm thế nào với danh tiếng mình có được.
Trong bóng đá, không kể đến các “ngôi sao xẹt” trên sân cỏ kiểu Macaulay Culkin vốn có thể kể cả ngày không hết, thì cũng có rất nhiều CLB trở thành Flappy Bird, không chuẩn bị cho thành công của mình.
Celta Vigo có thể vừa đá Champions League vừa chống xuống hạng (về sau họ xuống hạng luôn mùa đó). Sampdoria của Italia cũng tương tự.
Riêng Deportivo de La Coruna là một ví dụ kinh điển cho việc này: đến từ một thị trấn chỉ có hơn 200.000 dân, với một sân bóng chỉ hơn 30.000 chỗ ngồi và tiềm lực tài chính không mạnh, họ bất ngờ trở thành một Super Depor trong những năm cuối thế kỷ 20, với một chức vô địch La Liga mùa 1999/00, lọt vào bán kết Champions League năm 2004...
Nhưng rồi sau đó thì sao? Cái tiềm lực yếu bên trong không giúp họ “chống đỡ” được với những thành công kiểu ấy, những lãnh đạo của sân Riazor cũng không phải là những người có thể làm ăn lớn trên cái thành công bất ngờ, và cuối mùa trước, Deportivo đã phải xuống hạng cùng với một khoản nợ khổng lồ không có khả năng thanh toán. Chính việc trở thành Super Depor khiến CLB tỉnh lẻ ấy làm ăn kiểu “tay chơi” và rồi ngấp nghé phá sản. Họ “chết” vì thành công của chính mình.
Hãy cầu chúc cho Flappy Bird, niềm tự hào game Việt tránh khỏi một cú ngã để tạo tiền đề cho những niềm tự hào khác. Và hãy nhớ rằng việc đến với thành công chưa chắc quan trọng bằng việc đương đầu và duy trì nó.