Quảng cáo

Khi VPF đã cố hết sức

Thứ bảy, 03/10/2015 15:30 PM (GMT+7)
A A+

Việc Chủ tịch CLB Hải Phòng “tố” Phó Tổng giám đốc VPF “lương cả tỷ, kiếm không được 1 xu” ngay tại Hội nghị tổng kết mùa giải là hành động không thể chấp nhận được...

Đúng - sai chưa biết, nhưng nhận xét như vậy là phủ nhận toàn bộ công việc của VPF, đơn vị điều hành các giải đấu chuyên nghiệp Việt Nam.

Sai chồng sai

Cái sai thứ nhất của vị Chủ tịch CLB Hải Phòng đó là đưa một vấn đề mang tính nội bộ ra một cuộc họp công khai. Hiệu quả làm việc của một Phó TGĐ thì phải chất vấn ông Tổng giám đốc hoặc Hội đồng quản trị trong các cuộc họp liên quan đến Công ty VPF. Hội nghị tổng kết mùa giải có nhiều thành phần tham gia, là nơi các CLB đối thoại với BTC giải chứ không phải đưa ra các nhận xét cá nhân liên quan đến một người… chẳng liên quan gì đến cuộc họp.

Trưởng BTC giải Nguyễn Minh Ngọc (bìa trái) và Phó TGĐ VPF Phạm Phú Hòa (bìa phải).

Cái sai thứ hai mới là trầm trọng: Có muốn “chửi” ông bán hàng thì cũng coi mình đã đưa cho ông ta cái món hàng thế nào, có khả năng bán được không. Giữa chuyện trả lương và chuyện bán được hàng là khác xa nhau bởi hàng mà đã kém, có trả lương cao cỡ nào thì cũng chẳng bán được.

Ông Chủ tịch đội Hải Phòng phê phán người bán hàng là Phó TGĐ nhưng quên mất là chính đội Hải Phòng mùa này “dính” đến 2 vụ: thứ nhất là trận hòa đầy mùi “xin-cho” với Cần Thơ, thứ hai là trận đấu đầy mùi “bạo lực” ở sân Cẩm Phả. Cần lưu ý: Hải Phòng là đội ít bàn thắng nhất, có số thẻ vàng đứng thứ 2 sau Thanh Hóa và nằm trong tốp các đội nhiều thẻ đỏ nhất. Sân Lạch Tray giờ đâu còn là “chảo lửa”, khán giả trung bình chỉ là 8.000/trận so với trên 1 vạn thời còn Xi măng Hải Phòng. Trận đấu đông khán giả nhất là khi Hải Phòng tiếp HA.GL nhưng 2 vạn người đến sân hôm đó hết 2/3 là để xem HA.GL chứ trận đó, đội chủ nhà còn nhận 1 chiếc thẻ đỏ. Điều này cho thấy, ngay chính Hải Phòng còn không thể “bán” các trận đấu cho khán giả nhà thì bảo làm sao VPF bán cho tốt hơn được. Thành ra, trước khi phê phán ông Phó tổng của VPF “kiếm không được 1 xu” thì ông Chủ tịch CLB Hải Phòng nên xem thử đội của ông tự kiếm được bao nhiêu tiền?

VPF vẫn có điểm sáng

Trong bối cảnh mà các “sản phẩm” của V-League (tức các trận đấu) đa số đều không có chất lượng thì việc V-League vẫn có nhà tài trợ Toyota đã là một điểm sáng cho dù người khổng lồ Nhật Bản tài trợ với mục đích gì đi nữa. Cũng không thể nói là những người như ông Phó TGĐ VPF “ngồi chơi hưởng lương” khi lần đầu tiên, V-League nhận được sự tham gia của một nhãn hàng tiêu dùng (dầu gội Clearmen). Trong danh sách các đối tác tài trợ, điểm đáng mừng là khá đa dạng lĩnh vực kinh doanh trong đời sống, khác xa thời chỉ có ngân hàng, bất động sản, xây dựng tham gia.

Chủ tịch CLB Hải Phòng Trần Mạnh Hùng đang chất vấn VPF.

Một điểm khác: sản phẩm vẫn kém chất lượng nhưng VPF đã nỗ lực đưa đến 80% các trận đấu lên mạng Youtube cũng là một hành động “dũng cảm”. Theo thống kê, mỗi trận đấu cũng có thêm vài ngàn người xem trên internet, đồng nghĩa với quyền lợi của nhà tài trợ tăng thêm, rộng hơn về mức độ quảng bá. Việc này không đem lại lợi ích nhiều cho VPF bởi làm như thế thì chẳng còn cơ hội bán bản quyền truyền hình, nhưng ngược lại nó giúp ích cho các CLB trong việc tìm tài trợ. Như vậy, VPF đâu có đáng bị ông Chủ tịch đội Hải Phòng nặng lời như vậy.

Công bằng mà nói, những nỗ lực của VPF rất đáng ghi nhận dù cũng phải sòng phẳng rằng: như muối bỏ bể và đôi khi còn tác dụng ngược. Đem “sản phẩm” đi quảng bá nhiều nhưng nếu kém chất lượng thì còn bị khách hàng tẩy chay dài hạn. VPF có muốn làm tốt hơn cũng đâu có thể “ép” các CLB phải chơi thứ bóng đá hấp dẫn. Ở đây, nếu nói là VPF hoạt động không hiệu quả thì chính các CLB phải chịu ít nhất là 50% trách nhiệm.


Hồ Việt

Author Thethaophui.net /
VPF V-League 2015 CLB Hải Phòng Phó Tổng giám đốc VPF
Xem thêm