(Thethaophui.net) - V-League 2015 đã chính thức khép lại nhưng hiện VPF vẫn chưa rõ đơn vị nào sẽ đứng ra nhận tài trợ giải VĐQG mùa tới.
Nội dung chính
Bình Dương vô địch V-League 2015
Giải VĐQG Việt Nam đã lên chuyên nghiệp tròn 15 năm, nhưng cách làm bóng đá không tính về lâu về dài, khiến các nhà tài trợ không còn quá mặn mà với môn thể thao vua tại Việt Nam.
Ở năm đầu tiên, V-League được Công ty Tiếp thị thể thao Strata bảo trợ từ tài chính tới con người, và là đơn vị tiên phong trong công cuộc giúp cải cách giải VĐQG.
Ngay sau sự ra đi của Strata vào năm 2002, V-League bắt đầu phải tự thân vận động với bài toán tìm nhà tài trợ. Trong khoảng thời gian từ 2002-2005, mỗi năm giải bóng đá nước nhà lại được gắn tên với một nhà tài trợ khác nhau. Chất lượng giải đấu không thu hút được khán giả, cộng với án bán độ động trời của U23 Việt Nam tại SEA Game 23 khiến bóng đá Việt Nam rơi vào thời điểm khủng hoảng nhà tài trợ. Thậm chí, nhà vô địch V-League 2003 HAGL chỉ được nhận số tiền 500 triệu đồng tiền thưởng.
Cơn đau đầu của VFF chỉ thực sự được giải tỏa sau khi Tổng Công ty khí thuộc tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petro Vietnam Gas) quyết định ký hợp đồng tài trợ 4 năm liên tiếp từ năm 2007-2010 và sau chức vô địch AFF Cup 2008 là gói tài trợ 5 năm (2008-2013) từ Nike với số tiền 1 triệu USD/mùa.
Nhưng ngay sau đó, cơn đau đầu lại trở lại, buộc VFF phải cầu cứu tới sức mạnh kim tiền từ các ông Bầu, điều này đồng nghĩa với sự chia sẻ quyền lực và sự ra đời của VPF vào cuối năm 2011 là điều tất yếu, qua đó chính thức đánh dấu giai đoạn các doanh nghiệp bắt tay vào làm bóng đá.
Từ năm 2011-2014, Eximbank vào cuộc bằng gói tài trợ 30 tỷ/năm với công lớn thuộc về cựu Chủ tịch HĐQT EximBank Lê Hùng Dũng - người sau đó trở thành Chủ tịch VFF thay ông Nguyễn Trọng Hỷ 2 năm sau đó và hiện vẫn đang đương chức.
Tưởng chừng như V-League đã đi đúng hướng nhưng vấn nạn tiêu cực, bạo lực, bán độ một lần nữa khiến NHM quay lưng với bóng đá, gián tiếp ảnh hưởng tới tài chính của các CLB, sau đó là các nhà tài trợ.
Theo thống kê được công bố, lợi nhuận của Ngân hàng Xuất nhập khẩu (Eximbank) từng đạt đến 2.139 tỷ đồng vào năm 2012, nhưng lại bất ngờ giảm sâu còn 659 tỷ đồng vào năm 2013, và đến năm 2014 thì chỉ còn 56 tỷ đồng. Với doanh thu tụt thảm hại, Eximbank chính thức rút lui sau V-League 2014, và không lâu sau ông Lê Hùng Dũng cũng quyết định xin thôi nhiệm sớm và không tiếp tục ứng cử nhiệm kỳ mới 2015-2020.
Mặc dù, Eximbank rút lui nhưng mối quan hệ rộng của ông Dũng vẫn kịp đưa về V-League một nhà tài trợ thế chỗ là Toyota Việt Nam (đơn vị tài trợ cho 2 giải đấu hàng đầu của Thái), trước đó, Phó Chủ tịch Trần Quốc Tuấn cũng mang về bản hợp đồng tài trợ trang thiết bị cho các ĐTQG với Grand Sport Group Co.Ltd (Thái Lan) từ 2015-2019.
Quế Ngọc Hải gây chấn thương cho Anh Khoa
Trở lại với V-League 2015, một mùa giải kéo dài ròng rã hơn 9 tháng không có quá nhiều dấu ấn ở công tác tổ chức từ VPF, cũng như màn trình diễn của các CLB, khép lại bằng "cú đốn gỗ" tiền tỷ của Quế Ngọc Hải.
Chất lượng thì không được nâng cao, trong khi điều tiếng về công tác quản lý tài chính không minh bạch thì liên tục được đưa ra. Thậm chí, những việc xấu trong nhà còn được chính những người "trong nhà" bóc mẽ nói ra.
Giải VĐQG đã hạ màn được gần 1 tuần nhưng hiện FIFA vẫn để logo V-League là Eximbank thay vì là Toyota. Có thể đây chỉ là một nhầm lẫn của FIFA nhưng đứng ở phía nhà tài trợ thì thử hỏi họ sẽ nghĩ gì? Liệu VFF đứng ở đâu, trong những thời điểm mà quyền lợi nhà tài trợ bị ảnh hưởng và liệu Toyota sẽ tiếp tục ký hợp đồng?
Hình ảnh trên trang chủ của FIFA
Theo Phó TGĐ VPF, ông Phạm Phú Hoà tiết lộ trên tờ TT&VH sáng nay thì VFF đã ký hợp đồng với Toyota Việt Nam theo hình thức năm một, kèm điều khoản gia hạn và hiện chưa có khẳng định nào về việc công ty của Nhật sẽ tái ký hợp đồng.
Bốn năm qua VPF nuôi một ông PCT phụ trách tài trợ nhưng không mang về được một gói tài trợ nào, mà mỗi năm vẫn đút túi ngót tỷ đồng (Theo Ông Trần Mạnh Hùng- Chủ tịch CLB Hải Phòng), xem ra V-League sẽ cần nhìn xa hơn thay vì những mục tiêu ngắn hạn.
Hãy nhìn Premier League với 11 năm gắn bó cùng Barclays, và sẽ chính thức tự chủ tài chính ở mùa tới. Hay gần hơn là Thai Premier League, giải đấu được đánh giá đi sau V-League, nhưng sau thời gian bỏ không ít tiền bạc và con người sang tận Anh học hỏi thì giờ đã trở thành giải đấu hấp dẫn số một khu vực.
Theo báo chí Thái tiết lộ, Toyota đã chính thức gia hạn hợp đồng tài trợ cho 2 giải đấu hàng đầu của Thái Lan và số tiền đội vô địch Thái Lan sẽ nhận được là 7 tỷ đồng, nhiều gấp đôi con số 3 tỷ mà Bình Dương nhận được cho chức vô địch V-League.
Quản lý là một chuyện nhưng sẽ chẳng tới đâu nếu như chất lượng V-League vẫn cứ như vậy. NHM không còn thấy các cầu thủ chơi bóng nữa mà chỉ thấy các cầu thủ đá để lấy thưởng hay vì những toan tính của các ông Bầu và nhà tài trợ. Đã đến lúc, cả VFF, VPF và các CLB nên đồng lòng và hỗ trợ nhau để cùng đưa chất lượng giải đấu đi lên. Bởi chỉ có như vậy bài toán tài trợ mới được giải quyết tận gốc, khi đó tất cả đều sẽ có lợi chứ không riêng gì một đơn vị nào và người hưởng lợi trước tiên là người hâm mộ yêu bóng đá.
Danh sách các nhà tài trợ của V-League
2000-2001: Strata
2002: PepsiCo
2003: Kinh Đô
2004: Tân Hiệp Phát
2005-2006: Eurowindow
2007-2010: Petro Vietnam Gas
2011-2014: Eximbank
2015- đến nay: Toyota