(Thethaophui.net) Cường quốc thể thao Nga đã lấy lại được vị thế hàng đầu của mình tại Olympic Sochi 2014 với 13HCV, 11HCB và 9 HCĐ
Nội dung chính
Video những hình ảnh ấn tượng tại Olympic Sochi 2014
Kỳ Olympic đắt nhất trong lịch sử (50 tỷ USD) đã kết thúc với sự lên ngôi thuyết phục của đoàn chủ nhà Nga. Sự toàn diện của các VĐV chủ nhà (giành HCV ở 7 môn thi đấu) đã giúp Nga vươn lên ngôi đầu bảng tổng sắp sau 20 năm, qua đó kết thúc chu kỳ thành công của đoàn Đức với 3 lần về nhất sau 6 kỳ Olympic gần nhất (1992, 1998 và 2006).
Lần gần nhất đoàn Nga giành ngôi đầu bảng tổng sắp là 20 năm trước, tại kỳ Olympic Lillehammer 1994, Na Uy. Tại kỳ Olympic đó, Nga cũng vượt qua Na Uy nhưng chỉ hơn đúng 1 HCV (11 so với 10).
Đội trượt băng 4 người giành HCV cuối cùng cho đoàn Nga
Trở lại ngày thi đấu cuối cùng, đoàn Nga với 12 HCV trước đó gần như chắc chắn giành ngôi nhất bảng tổng sắp khi có cùng số HCV với Na Uy nhưng vượt trội về số HCB, trong khi ngày thi đấu cuối cùng chỉ còn trao 3 bộ huy chương.
Kết quả, đoàn Nga xuất sắc giành 2 tấm HCV ở ngày thi đấu cuối cùng ở các nội dung 50km trượt truyết băng đồng và nội dung trượt lòng máng 4 người, qua đó khẳng định vị thế số 1 với 13 HCV.
Ở nội dung được chú ý nhất đại hội là hockey trên băng, Canada đã đánh bại Thụy Điển để bảo vệ thành công cú đúp HCV ở môn thi này. Với tấm HCV quý giá này, đoàn Canada (nhất đại hội trước) giành vị trí thứ 3 với 10 HCV, 10 HCB và 5 HCĐ.
Canada xuất sắc bảo vệ thành công HCV hockey trên băng
Các vị trí thứ 4 và 5 thuộc về Mỹ (9-7-12) và Hà Lan (8-7-9). Trong khi đó đoàn Đức sau nhiều ngày dẫn đầu đã kết thúc ở vị trí thứ 6 với 8 HCV, 6 HCB và 5 HCĐ.
Tại Olympic Sochi, đoàn thể thao Vương quốc Anh cũng đã lặp lại kỳ tích giành 4 huy chương mà họ làm được cách đây đúng 90 năm tại Olympic Chamonix 1924 diễn ra trên đất Pháp.
Ở châu Á, có 3 đoàn giành được huy chương là Trung Quốc (3-4-2), Hàn Quốc (3-3-3) và Nhật Bản (1-4-3).
Kỳ Olympic lần thứ 23 vào 4 năm tới sẽ được tổ chức tại Pyeongchang, Hàn Quốc. Đây là lần thứ 3 Olympic mùa đông được tổ chức tại châu Á sau 2 lần được tổ chức tại Nhật Bản (1972, 1998).