(Thethaophui.net) - Andrea Pirlo, tiền vệ lừng danh bóng đá Italia được mệnh danh là cầu thủ sút phạt hay nhất thế giới. Anh đã tiết lộ những bí mật đằng sau những pha sút phạt “thần thánh” qua cuốn tự truyện “Tôi tư duy tức là tôi chơi bóng”.
Nội dung chính
Tôi là người Italia nhưng trong bản thân lại tồn tại chút máu của Brazil, do đó các bạn có thể gọi tôi là Pirlinho. Khi đứng trước chấm đá phạt, tôi tư duy bằng tiếng Bồ Đào Nha, nhưng khi ăn mừng thì bằng tiếng Italia. Những quả đá phạt của tôi đều tương đối giống nhau, bóng đi hơi xoáy và rơi xuống một địa điểm không thể đoán trước. Chúng đều có chung một nguồn cảm hứng: Antonio Augusto Ribeiro Reis Junior, hay bóng đá thế giới còn biết đến với cái tên Juninho.
Andrea Pirlo tìm hiểu kỹ thuật sút phạt của Juninho
Khi còn đá cho Lyon, anh ấy thường xuyên tạo ra những quỹ đạo phi thường. Đó là một bí quyết không phải xảy ra một cách ngẫu nhiên. Tôi đã nghiên cứu rất kỹ, xem đến mòn cả các đĩa CD, DVD, lục lại những tấm ảnh cũ để tìm hiểu cách Juninho đã tiếp xúc với trái bóng. Chúng đòi hỏi ở tôi một sự kiên trì và nhẫn nại rất lớn. Khi tôi cho rằng mình đã nắm được tương đối phương pháp sút phạt của Juninho và bắt đầu ra sân tập để bắt chước anh ấy nhưng kết quả đa phần là thất bại.
Thông thường bóng từ chân tôi sẽ bay cao hơn xà ngang khoảng 2 mét, thậm chí là 3 mét và rơi luôn ra ngoài hàng rào của sân tập Milanello. Khi đó, tôi đã lấp liếm điều này bằng cách nói dối. Tôi tìm cách khiến các CĐV – những người đang ở bên ngoài sân tin rằng tôi cố tình làm thế....
Phát minh trong nhà tắm
Sau ba ngày, tôi đã cảm thấy gần như phát điên nhưng tôi vẫn cố gắng thử nghiệm và suy nghĩ về kiểu đá đó trong vòng vài tuần.
(Filippo) Inzaghi đã dạy tôi rằng những ý tưởng tốt nhất chỉ đến khi chúng ta tập trung và tập trung tối đa, nhưng hình như anh ấy không biết rằng nó còn có thể đến khi chúng ta đang tắm nữa. Nghe có vẻ hơi sến, nhưng sự thực là thế. Tôi phát hiện ra rằng, bí quyết để trái bóng đi theo một quỹ đạo ma thuật không phải nằm ở việc bạn đá vào phần nào của nó, mà quan trọng là bạn đá vào nó bằng cái gì. Hóa ra Juninho không thực hiện cú đá bằng cả bàn chân của anh ấy, mà chỉ bằng ba ngón thôi.
Sáng hôm sau tôi rời nhà rất sớm và bỏ qua cả màn tranh tài PlayStation với Nesta để lao ra sân tập. Tôi thậm chí còn háo hức đến mức chẳng cần đi giày. Người nhặt bóng đã ở đó, và có vẻ rất e ngại khi tôi đề nghị anh ta giao quả bóng cho mình (đã mấy tuần liền rồi, ngày nào anh ta cũng phải đi rất xa để nhặt bóng). Nhưng lần này tôi đã sút một cách hoàn hảo về mặt hình học: bóng đi ngay sát điểm nối giữa xà ngang và cột dọc, và ngay cả khi có thủ môn ở đó thì nó vẫn sẽ là một bàn thắng. Tôi tiếp tục tạo ra một bản copy của cú đá đầu tiên: chuẩn mực, không chê trách vào đâu được.
Tôi đá tiếp năm lần nữa, kết quả vẫn tuyệt vời như vậy. Tôi, Pirlo đã làm được. Tôi đã tìm ra bí mật này, khi sút phạt, Tôi phải đá vào trái bóng từ bên dưới, bằng ba ngón đầu tiên của bàn chân, và phải giữ bàn chân duỗi thẳng nhất có thể trước khi đột ngột vung nó ra. Bằng cách đó, quả bóng sẽ bay một cách ổn định trên không trung trước khi bất ngờ rơi xuống vào một thời điểm nào đó. Điểm đá phạt tốt nhất nên nằm cách vòng cấm địa hơi xa một chút, khi đó tôi sẽ tạo được nhiều hiệu ứng lên trái bóng hơn. Tất nhiên với mỗi quả phạt cụ thể sẽ có một chút kỹ xảo khác nhau, nhưng nguyên lý cơ bản thì không thay đổi. Nhiều đồng nghiệp cảm thấy hài lòng với cách sút phạt này, họ đã lấy tôi làm tấm gương để học theo. Với họ, Tôi xuất hiện như một Juninho Pernambucano phiên bản 2.0, một người Brazil xuất thân từ Brescia...
Sao Yến (tự truyện Andrea Pirlo)