Còn quá sớm để nói về thành công của Van Gaal ở Man Utd nhưng những thay đổi mang tính cách mạng của nhà cầm quân này ở Old Trafford đã hé lộ những diện mạo tích cực của Quỷ đỏ mà thời David Moyes không có…
Nội dung chính
So sánh là phép đo đạc thường thấy trong bóng đá. Nó có thể chắp cánh một tài năng nhưng cũng đủ sức bóp nát mọi giấc mơ dang dở. David Moyes đã thất bại ở Man Utd một phần vì sự so sánh quá khập khiễng với Sir Alex, với thời đại cũ kĩ mà bóng đá không dính dáng quá nhiều tới tiền tài, danh vọng.
Van Gaal có kế hoạch phát triển M.U trái ngược với David Moyes
Nay, các CĐV Quỷ đỏ lại có thể đưa ra một phép so sánh mới, giữa Louis van Gaal và David Moyes, hay giữa Van Gaal với Sir Alex trước đây. Rõ ràng, khó có thể so sánh Van Gaal với “ông già gân” bởi đó là phép so sánh không cùng một hệ quy chiếu. Có chăng, người ta chỉ nhìn vào sự khác biệt giữa cách mà Van Gaal khởi đầu ở M.U so với David Moyes, người được Sir Alex chỉ định.
David Moyes đã làm gì khi mới cập bến Old Trafford? Khá nhiều, trong đó đáng chú ý nhất là việc loại bỏ toàn bộ ban huấn luyện thời Sir Alex để rinh về “Nhà hát” những trợ lý thân cận của mình ở Everton. Tính “truyền đạt”, sự kế thừa đã bị nhà cầm quân người Scotland vô tình cắt đứt bởi 1 quyết định mà người ta cho rằng thường thấy ở mỗi cuộc chuyển giao quyền lực.
Còn Van Gaal? Ngay trong cuộc đàm phán với Giám đốc điều hành Ed Woodward, chiến lược gia người Hà Lan đã yêu cầu bổ nhiệm Ryan Giggs làm trợ lý. Ông từ chối mang theo “cánh tay phải” Patrick Kluivert để tin dùng những ngôi sao thuộc lứa thế hệ vàng của Quỷ đỏ như Nicky Butt, Paul Scoles hay Phil Neville. Đó là sự khác biệt! Phần vì Van Gaal chưa hiểu rõ Man Utd, phần vì ông coi đây là thử thách cực kì khắc nghiệt.
Ngày đến M.U, David Moyes không đưa ra sự thay đổi nào mang tính cách mạng. Ông hài lòng với cuộc sống ở Old Trafford, coi Carrington là “thiên đường” với mọi cầu thủ. Đơn giản bởi nhà cầm quân này đến từ Everton, đội bóng nổi tiếng ở Anh nhưng chỉ là hạng thấp cổ bé họng ở châu Âu.
Trong khi đó, Van Gaal đang thay đổi lớp vỏ của Carrington bằng hàng loạt yêu cầu lạ lẫm. Ông quan tâm tới mặt cỏ của sân tập, ánh sáng phục vụ cho chế độ luyện tập, sức gió ở Carrington và cả chế độ sinh hoạt, ăn ngủ của cầu thủ. Nói như tờ De Telegraaf, đó là nhà quản lý thực thụ chứ không hẳn chỉ là 1 HLV bóng đá. Lợi thế của Van Gaal so với Moyes là ông đã từng dẫn dắt nhiều đội bóng tên tuổi, từ Ajax, Barca cho tới Bayern Munich. Kinh nghiệm là đủ để chiến lược gia người Hà Lan đưa ra những thay đổi mang tính cách mạng. Kể cả Sir Alex, người có hơn 20 năm dẫn dắt Quỷ đỏ cũng chẳng mảy may nghĩ tới những thay đổi ấy.
Về định hướng chuyển nhượng, David Moyes và Van Gaal cũng có những sự khác biệt, thậm chí tương phản. Moyes đưa về Old Trafford những cầu thủ đã có số má, tên tuổi như Fellaini, Mata. Trong khi đó, Van Gaal đã có 3 bản hợp đồng đều ở dạng tiềm năng (Vanja Milinković, Luke Shaw và Ander Herrera).
Tờ Guardian gọi chính sách của David Moyes là “ăn xổi, ở thì”, muốn thành công ngay, hay đơn giản là cứu vãn chiếc ghế của mình. Còn Van Gaal “xây nhà từ móng”! Ông muốn trẻ hóa lực lượng của Quỷ đỏ để chờ thời bùng nổ. Rõ ràng, nếu Fellaini thất bại ở mùa giải đầu tiên, người ta cho rằng anh không thích hợp với M.U và đây là thương vụ thất bại hoàn toàn. Còn những Luke Shaw, Ander Herrera nếu đi theo kịch bản ấy, nó vẫn ánh lên những niềm hi vọng. Đơn giản họ còn trẻ và vẫn còn cơ hội phát triển sự nghiệp dưới bàn tay của Van Gaal.
Vậy nên, sẽ chẳng bất ngờ nếu Van Gaal vẫn được kì vọng nếu ông không thể giúp Man Utd hồi sinh ở mùa giải tới. Nên nhớ, chiến lược gia người Hà Lan đã từng cho ra lò biết bao tài năng trẻ xuất sắc của bóng đá thế giới như Edwin van der Sar, Clarence Seedorf, Edgar Davids, Frank De Boer, Patrick Kluiver, Thomas Muller hay Toni Kroos.
Một nghịch lý khác trong phép so sánh này là tuổi đời của David Moyes và Van Gaal. Moyes mới ở tuổi 51, độ tuổi không phải là già trong nghề cầm quân. Ông hoàn toàn có thể kế nghiệp Sir Alex tới 20 năm nữa, như chính sách đã được BLĐ Man Utd tính tới. Hơn nữa, nhà cầm quân người Scotland còn được kí bản hợp đồng có thời hạn 6 năm. Con số ấy đã thể hiện rõ sự tin tưởng của Man Utd và định hướng của Sir Alex.
HLV Van Gaal đã bắt đầu đặt dấu ấn của mình ở Man Utd
Đáng ra, ở độ tuổi ấy và bản hợp đồng ấy, David Moyes cần tính tới một bước đi an toàn hơn. Ông có thể tập trung cải tổ chế độ đào tạo trẻ ở Man Utd, chiêu mộ các bản hợp đồng tiềm năng để dù có thất bại ở mùa giải đầu tiên, nhà cầm quân này vẫn còn cơ sở để hi vọng, hay chí ít là đem lại sự tin tưởng cho BLĐ Man Utd.
Ví như Brendan Rodgers, nhà cầm quân này không thể giúp Liverpool đạt mục tiêu top 4 ở mùa giải đầu tiên nhưng đã thắp sáng giấc mơ ấy bằng hàng loạt sự đầu tư nhắm tới tài năng trẻ. Và rồi Rodgers đã thành công, thậm chí trên cả sự kì vọng khi giúp Lữ đoàn đỏ cạnh tranh ngai vàng Premier League mùa trước.
Moyes có cơ hội nhưng không thể tự nắm sau hàng loạt nước cờ sai lầm. Trong khi Van Gaal thì ngược lại! Ông đã ở tuổi 62, độ tuổi mà nhiều nhà cầm quân đã bắt đầu nghĩ tới chuyện giải nghệ. Hơn nữa, Van Gaal chỉ được trao bản hợp đồng ngắn hạn 3 năm, quá ít để 1 vị HLV có thể thiết lập nền móng thống trị với những cách tân mang ý nghĩa lâu dài. Thế nhưng Van Gaal vẫn quyết tâm làm đến nơi đến chốn, cải tổ Man Utd theo cách riêng của mình, biến Carrington trở thành một điểm đến mới mẻ.
Những quyết định dù không lớn nhưng đã thể hiện rõ quan điểm và cá tính của Van Gaal. Nó cũng chỉ ra rằng đây là nhà cầm quân rất chu đáo và nghiêm khắc trong việc huấn luyện và thi đấu. Bởi vậy, dù chưa chính thức nhập cuộc nhưng nhà cầm quân lão luyện này đã mở ra những niềm hi vọng mới cho các CĐV Man Utd!...