(Thethaophui.net) – Ấp ủ ước mơ khoác áo ĐT Việt Nam nhưng không thành công, tuy nhiên tài năng gốc Việt của bóng đá Mỹ vẫn không ngừng quan tâm tới bóng đá dân tộc và đội bóng cũ HAGL.
Không được khoác áo ĐT Việt Nam có lẽ là một điều đáng tiếc với bản thân Lee Nguyễn cũng như chính nền bóng đá Việt Nam. Anh là một trong số ít những cầu thủ Việt kiều có thực lực và từng thi đấu thành công trên thế giới. Sự nghiệt ngã của V-League đã không cho anh nhiều cơ hội thành danh tại HAGL tuy nhiên đây vẫn là đội bóng để lại trong anh những kỉ niệm đẹp và nhiều kinh nghiệm quý báu.
Lee Nguyễn về HAGL năm 2009
Chia sẻ với báo Vnexpress, tiền vệ đang chơi ở giải Nhà nghề Mỹ (MSL) đã cho biết: “Tôi rất thích cách chơi bóng của cầu thủ HAGL Arsenal JMG vì nó giống phong cách của tôi là cầm bóng, dẫn bóng và qua người. Các em rất tự tin ở điều này vì được tập luyện nhiều năm với quả bóng. Cầu thủ thi đấu đỉnh cao là phải có kỹ năng cầm bóng, kể cả hậu vệ, và đây là điều tôi thấy HAGL Arsenal JMG làm rất giỏi. Tuy nhiên, trong bóng đá thì có rất nhiều phong cách chơi bóng khác nhau nên các cầu thủ phải thích nghi được hết”.
Lee Nguyễn cũng chỉ ra một sự khác biệt lớn trong chương trình đào tạo trẻ của bóng đá Việt Nam với xứ sở cờ hoa. Tại Mỹ, các em nhỏ được thoải mái tập luyện và vẫn về sống với gia đình, những em xa nhà sẽ được tạo điều kiện ở nhờ nhà các gia đình khác (một hình thức home stay phổ biến tại Mỹ và châu Âu), trong khi đó tại Việt Nam là tập trung dài hạn 6-7 năm, điều đó sẽ khiến các em bị thiếu thốn tình cảm gia đình, ít nhiều đều ảnh hưởng tới sự phát triển tâm lý sau này. Một điểm mới của cách làm bóng đá tại Mỹ là các em được thi đấu từ nhỏ nên mặc dù trình độ, kỹ thuật có thể không bằng lớp trẻ nhà bầu Đức nhưng kinh nghiệm và chiến thuật thì hơn hẳn.
Lee Nguyễn trong màu áo HAGL Ảnh: Đức Đồng
Nhắc tới câu chuyện xuất ngoại sắp tới của tài năng bóng đá Việt Nam Nguyễn Công Phượng, tài năng của bóng đá Mỹ đã chia sẻ lại kinh nghiệm của anh năm 18 tuổi khi sang CLB Hà Lan PSV Eindhoven thử việc: “Cuộc sống xa nhà luôn mang đến sự khó khăn về môi trường mới, ngôn ngữ mới và những đồng đội mới. Tại PSV, cạnh tranh vị trí khốc liệt, áp lực từ đồng đội lẫn HLV vô cùng lớn. Bạn phải thích nghi và vượt qua được nếu không muốn thất bại. Tôi không hối tiếc gì về thời gian ở PSV, vì ở đó tôi học được quá nhiều điều từ những cầu thủ đẳng cấp như Philipp Cocu, Alex, Farfan. Nhưng nếu cần một lời khuyên cho các đàn em, tôi nghĩ họ không cần phải vội vàng. Cứ chơi một hoặc hai mùa ở trong nước, rồi đi nước ngoài cũng tốt, khi bạn đã cứng cáp và có thể học hỏi được nhiều thứ".
Lời gợi ý của Lee Nguyễn cũng khá gần với trường hợp của Công Phượng tại thời điểm này, khi anh đã có một mùa giải thử sức tại chính môi trường V-League khốc liệt và chưa thể thực sự thành công. Tuy nhiên, trong quá khứ, Lee Nguyễn cũng không quá nổi bật tại Việt Nam. Biết đâu điều đó cũng sẽ là một động lực để Công Phượng thi đấu thăng hoa tại J-League 2 thì sao? Đội bóng mà Công Phượng có thể sang thi đấu hiện tại đang xếp thứ ba từ dưới lên trên BXH giải đấu này, tuy nhiên cơ hội cho họ là vẫn còn bởi phía trước là 6 vòng đấu nữa và mọi chuyện vẫn chưa chắc chắn được. Tuy nhiên, theo Lee Nguyễn đánh giá, ra nước ngoài ở thời điểm này là phù hợp dù Công Phượng có thể va vấp và đón nhận những thất bại. Anh nói thêm về câu chuyện của bản thân: "Ở Dallas Texans năm 2005, có bốn cầu thủ được chọn vào tuyển U20 Mỹ, nhưng chỉ có tôi sau đó được đi châu Âu rồi sau đó đá cho tuyển Mỹ ở Copa America 2007. Trong các đồng đội của tôi ở tuyển U20 Mỹ năm 2005 đá giải thế giới tại Hà Lan, rất nhiều bạn giỏi nhưng giờ chẳng còn mấy người chơi tại MLS".
Việc xuất ngoại thi đấu là một câu chuyện không hề hiếm của các nền bóng đá châu Á, tuy nhiên đây có thể sẽ là lần ‘xa nhà’ đầu tiên của một tài năng trẻ Việt Nam. Rủi ro thì có thể khá nhiều nhưng không đi mà cứ ở lại môi trường V-League, rất khó để tài năng của Công Phượng có thể bay cao được mà câu chuyện của Lee Nguyễn là một bài học điển hình.