(Thethaophui.net) – Gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng đang đưa tin về một cầu thủ người Mỹ gốc Việt muốn trở về thi đấu tại V-League cũng như cho tuyển U19. Tuy nhiên, đã có không ít trường hợp các chân sút ngoại không thành công tại Việt Nam và đành lầm lũi xách vali ra đi.
Cũng như trường hợp của Keven Nguyễn, họ đều là những cầu thủ có gốc gác Việt Nam, đã được đào tạo và chơi bóng ở những nền bóng đá phát triển tuy nhiên khi về Việt Nam tất cả đều không thể thích nghi với môi trường V-League.
Ludovic Casset
Năm 2004, trung vệ người Pháp gốc Việt Ludovic Casset là người tiên phong cho làn sóng Việt kiều trở về quê hương với mong muốn cống hiến cho đội tuyển hướng đến Tiger Cup. Ludovic Casset giới thiệu là từng chơi bóng cho CLB nổi tiếng Auxerre nhưng cuối cùng sự thật được phanh phui, đây chỉ là một đội bóng nghiệp dư có tên gần giống. Khả năng trên sân tập của Ludovic Casset cũng không có gì nổi bật nên anh nhanh chóng bị loại từ vòng "gửi xe". Sau một tuần tập luyện, anh không đáp ứng nổi những yêu cầu cơ bản và bị trả về nước.
Tony Lê Hoàng
Một năm sau đó (2005) tới lượt một chân sút khác là Tony Lê Hoàng đã về nước để xin thử việc với đội U23 khi đó được dẫn dắt bởi ông thầy người Áo Reidl. Anh được giới thiệu là một trong những cầu thủ xuất sắc nhất của lứa U19 Ba Lan.Tuy nhiên, đó chỉ là lời quảng cáo không có căn cứ bởi Lê Hoàng có thể hình nhỏ con và thể lực không quá nổi trội. Sau 2 buổi tập, HLV A.Reidl đành lắc đầu từ chối cầu thủ này
Anh em Emil/ Patrick Lê Giang
Năm 2008, hai anh em ruột họ Lê là Emil và Patrick cùng hồi hương thi đấu với ước mơ được khoác áo tuyển Việt Nam, tuy nhiên giấc mơ của họ đã nhanh chóng “tắt lụi”.
Người anh Emil được xem là trụ cột của các đội trẻ U16, U17 Slovakia. Hơn nữa, anh còn từng được một đội bóng nước Đức là Nuremberg bỏ ra 1 triệu đô la để chiêu mộ năm 2007. Tuy nhiên, thành tích đó cũng không đủ để Emil thành danh tại mảnh đất hình chữ S. Anh thử việc thất bại ở lần lượt Navibank Sài Gòn, Hà Nội T&T và CLB bóng đá Hà Nội. Anh sau đó dính chấn thương cực nặng và dần chìm vào quên lãng.
Patrick Lê Giang là em trai của Emil Lê Giang. Cũng giống như người anh, Patrick nhanh chóng nổi danh ở các cấp độ tuyển trẻ của Slovakia trong vai trò người trấn giữ khung thành. Năm 2009, anh từng quay về Việt Nam thử việc nhưng do những vướng mắc về thủ tục và cả sự chậm trễ của VFF nên mong muốn đóng góp cho đội bóng áo đỏ đã không thành hiện thực.
Johnny Nguyễn
Mang danh là cầu thủ trẻ xuất sắc của lò đào tạo CLB nối tiếng tại Pháp là Racing Lens, về Việt Nam, tiền vệ phòng ngự Johnny Nguyễn cũng không thể hiện được nhiều khả năng của mình. Anh thậm chí còn có hộ chiếu Việt Nam để được tính là nội binh và ra sân khá đều đặn. Tuy nhiên những gì cầu thủ này thể hiện tại CLB bóng đá Hà Nội là khá mờ nhạt và anh thậm chí còn phải ra đi trước cả khi đội bóng này giải thể.
Nguyễn Thanh Giang
Là cầu thủ rất khao khát đóng góp cho tuyển Việt Nam, Thanh Giang sinh ra, lớn lên và học đá bóng ở Đức. Cầu thủ này thậm chí còn về nước thử sức tới 2 lần nhưng vận may không mỉm cười với anh. Năm 2009, anh thử sức tại đội U19 Việt Nam nhưng bị từ chối. Năm 2012, anh hồi hương cùng Mạc Hồng Quân nhưng cuối cùng vẫn không thể trụ lại. Gia đinh Thanh Giang đã vô cùng bức xúc khi ấy và cho rằng con trai mình bị “trù dập” và không được tạo cơ hội. Tuy nhiên, bản thân HLV Mai Đức Chung, người trực tiếp đem về hai cái tên nói trên cũng không đánh giá cao khả năng hòa nhập của Thanh Giang.
Michael Lê
Trung vệ người Pháp có lẽ là sự xuất hiện ít để lại ấn tượng cho CĐV bóng đá Việt Nam nhất bởi nó quá ngắn ngủi. Với chiều cao và thể hình lý tưởng, trung vệ sinh năm 1993 Michel Lê hồi hương với mong muốn được thử sức cùng U23 Việt Nam trên hành trình chuẩn bị cho SEA Games 27 năm 2013. Nhưng chỉ sau một trận đấu tập với Quảng Ninh, những hạn chế về khả năng đọc trận đấu và kèm người đã khiến cầu thủ Việt kiều Pháp này phải nhanh chóng ra đi.
Lee Nguyễn
Tiền vệ Việt kiều Mỹ có lẽ là cái tên duy nhất thực sự có tài năng, tuy nhiên vè quê hương anh lại không có “đất diễn”. Anh từng được ví là thần đồng, là niềm tự hào của bóng đá Mỹ và chưa đầy 18 tuổi đã được chuyển nhượng sang PVS Eindhoven. Tuy nhiên, trở về thi đấu tại một môi trường có trình độ chuyên môn chỉ mở mức thấp cộng thêm những va chạm với HLV HAGL khi đó, nên Lee Nguyễn đã quay lại Mỹ và nhanh chóng khẳng định tên tuổi trong màu áo New England Revolution. Anh từng chia sẻ điều hối tiếc nhất trong sự nghiệp là trở về Việt Nam thi đấu.
Mạc Hồng Quân – Michael Nguyễn
Bộ đôi Việt kiều Séc này hiện vẫn đang thi đấu tại Việt Nam. Họ đều được HLV Miura để ý và gọi vào đội U23 và tuyển quốc gia chuẩn bị cho vòng loại World Cup 2018. Trong khi Mạc Hồng Quân được ra sân thường xuyên ở U23 thì Michael chỉ đóng vai trò dự bị trên tuyển. Michael đang chơi ở vị trí hậu vệ tại CLB B.Bình Dương. Anh được đào tạo bóng đá bài bản từ nhỏ tại CLB Sparta Prague - một CLB nổi tiếng, là cái nôi chắp cánh những huyền thoại như Pavel Nedved, Patrik Berger, Tomas Rosicky, Petr Cech... HLV Mai Đức Chung phát hiện ra tài năng của Michael Nguyễn khi ông đang tham gia chuyến tập huấn nâng cao tại CH Séc. Cầu thủ 26 tuổi này từng chơi cho CLB Banik Most và được đánh giá khá cao về chuyên môn với 16 lần ra sân thi đấu tại giải hạng Nhất CH Séc mùa bóng 2011/12. Ngoài vị trí trung vệ sở trường, Michael Nguyễn còn chơi tốt ở vị trí tiền vệ.
Mạc Hồng Quân được đánh giá rất cao trong những ngày mới trở về nước và đã có lúc được xem là phương án số 1 cho vị trí trung phong ở đội tuyển U23 cũng như đội tuyển Việt Nam. Nhưng việc được đào tạo bài bản ở Sparta Prague không giúp Mạc Hồng Quân cạnh tranh nổi với ưu thế về thể hình, thể lực của các cầu thủ ngoại trong lối chơi thực dụng của các đội bóng ở V.League. Anh mới chỉ ghi được vỏn vẹn 1 bàn sau 17 vòng đấu cho CLB Than Quảng Ninh.
Đặng Văn Lâm
Là cầu thủ từng ăn tập và có thời gian chơi bóng tại Nga, tuy nhiên sự nghiệp của Đặng Văn Lâm lại khá lận đận khi hồi hương thi đấu. Chơi tưởng đối tốt trong màu áo U19 Việt Nam, tuy nhiên thủ thành này sau đó không giành nổi suất bắt chính ở HAGL và phải sang Lào chơi bóng.
Vừa qua khi đang ở Nga, Lâm có "đánh tiếng" trên Facebook và xin về nước thử việc với HLV Miura nhưng không thuyết phục được ông thầy người Nhật. Mặc dù vậy, chuyến đi này cũng kiếm về cho Lâm suất bắt dự bị ở CLB Hải Phòng hiện tại ở lượt về V.League.