Đoàn thể thao Việt Nam chính thức khép lại kỳ Thế vận hội mùa hè tại Paris năm 2024 mà không giành được huy chương nào.
Olympic Paris 2024 sẽ chính thức khép lại với lễ bế mạc diễn ra vào ngày 11/8. Tuy nhiên, Đoàn Việt Nam đã sớm nói lời chia tay với ngày hội thể thao lớn nhất hành tinh từ ngày 9/8 sau khi VĐV cuối cùng của chúng ta, Nguyễn Thị Hương thất bại trong việc giành vé vào bán kết môn canoeing nội dung thuyền đơn nữ 200m.
Thêm một kỳ Olympic nữa, thể thao Việt Nam rời giải mà không giành được bất kỳ tấm huy chương nào. 16 tuyển thủ, tranh tài ở 11 môn thi đấu, tất cả đều mang trong mình quyết tâm cao nhất. Nhưng ở một sự kiện khắc nghiệt như Thế vận hội, nỗ lực thôi là chưa đủ.
Niềm hy vọng lớn nhất của thể thao Việt Nam tại Paris 2024 được đặt lên đôi vai của xạ thủ 24 tuổi Trịnh Thu Vinh. Cô xuất sắc giành vé vào chung kết ở cả hai nội dung tham dự là 10m súng ngắn hơi nữ và 25m súng ngắn thể thao nữ.
Màn trình diễn của Thu Vinh cho đến phần thi chung kết được đánh giá là hoàn hảo, với những "cơn mưa điểm 10" được tạo ra ở thủ đô Paris. Cô thậm chí xếp trên nhà vô địch thế giới nội dung 25m súng ngắn thể thao - Kim Yeji của Hàn Quốc ở vòng loại. Dẫu vậy, vẫn còn một khoảng cách vô hình giữa xạ thủ của Việt Nam với các đối thủ hàng đầu thế giới ở những giây phút quyết định.
Một trong những vận động viên được kỳ vọng mang về thành tích cao cho thể thao Việt Nam ở Olympic 2024 là Nguyễn Huy Hoàng, cũng thi đấu không thành công.
Kình ngư người Quảng Bình khép lại phần thi vòng loại 800m tự do nam với thời gian 8 phút 08 giây, kém xa thành tích giúp anh có HCĐ ASIAD 19 và chuẩn A Olympic - 7 phút 51 giây 44. Sang đến nội dung 1500m tự do nam, Huy Hoàng tiếp tục dừng bước ở vòng loại khi xếp hạng 21 (15 phút 18 giây 63).
Lý giải cho sự sa sút chóng mặt này, anh chia sẻ bản thân gặp nhiều áp lực khi phải thi đấu với các đối thủ hàng đầu thế giới, dẫn đến thành tích thi đấu không được như mong đợi.
Những môn thi đấu như cầu lông, bắn cung, boxing, rowing, xe đạp hay điền kinh của chúng ta nhìn chung đã cải thiện thành tích hơn so với những kỳ Thế vận hội trước đây. Nguyễn Thùy Linh, Lê Đức Phát, Phạm Thị Huệ, Lê Quốc Phong, Đỗ Thị Ánh Nguyệt, Nguyễn Thị Hương, Võ Thị Mỹ Tiên, Nguyễn Thị Thật, Trịnh Văn Vinh, Trần Thị Nhi Yến đều đã vượt qua chính mình, không ngừng nỗ lực hướng đến mục tiêu đem vinh quang về cho Tổ quốc.
Olympic từ lâu được xem như "chiến trường" thể thao với bất kỳ vận động viên tham gia tranh tài. Để chạm đến đỉnh vinh quang của Thế vận hội là cả một chặng đường dài và rất nhiều chông gai, đòi hỏi VĐV phải có quá trình rèn luyện khắc nghiệt. Cùng với đó, sự đầu tư hợp lý từ các cấp cũng là yếu tố góp phần tạo nên thành tích cao ở các đầu trường thế thao quốc tế.
Tại Paris 2024, đã có 4 quốc gia Đông Nam Á giành được huy chương. Những nước có nền thể thao phát triển như Thái Lan và Philippines sở hữu cả đại diện vinh dự đứng trên bục cao nhất của Thế vận hội. Điều đó đủ để thấy quá trình đầu tư trọng điểm và tập trung toàn lực cho những môn thể thao thành tích cao của nước bạn đang đi đúng hướng.
Đã 8 năm kể từ lần cuối xạ thủ Hoàng Xuân Vinh viết nên câu chuyện cổ tích cho thể thao Việt Nam ở đấu trường Thế vận hội. Trải qua hai mùa sự kiện liên tiếp trắng tay, liệu đây sẽ là bài học kinh nghiệm để các tổ chức thể thao trong nước nhìn nhận lại vấn đề thành tích, hay nó như một giọt nước tràn ly cho những nỗ lực của các cá nhân trong ngành.
TT | Quốc gia | Tổng | |||
---|---|---|---|---|---|
1 | Mỹ | 40 | 44 | 42 | 126 |
2 | Trung Quốc | 40 | 27 | 24 | 91 |
3 | Nhật Bản | 20 | 12 | 13 | 45 |
4 | Úc | 18 | 19 | 17 | 54 |
5 | … | ||||
35 | Philippines | 2 | 0 | 2 | 4 |
37 | Indonesia | 2 | 0 | 1 | 3 |
44 | Thái Lan | 1 | 3 | 2 | 6 |
80 | Malaysia | 0 | 0 | 2 | 2 |
? | Việt Nam | 0 | 0 | 0 | 0 |